ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC PHÁT HUY NĂNG LỰC CỦA HỌC SINH TẠI TRƯỜNG THCS CHU MẠNH TRINH

Nâng cao chất lượng dạy và học luôn là vấn đề trăn trở của các nhà trường hiện nay. Làm thế nào để phát huy năng lực của học sinh? Cần chuẩn bị những gì để tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới? Đó là các câu hỏi luôn thường trực trong cán bộ, giáo viên trường THCS Chu Mạnh Trinh.


          Các phương pháp dạy học truyền thống luôn là những phương pháp quan trọng trong dạy học. Đổi mới không có nghĩa là loại bỏ các phương pháp truyền thống mà cần bắt đầu bằng việc cải tiến để nâng cao hiệu quả và hạn chế nhược điểm của chúng.Vì thế, cần kết hợp sử dụng các phương pháp dạy học mới, đặc biệt là những phương pháp và kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực và sáng tạo của học sinh.
       
          Đầu tiên, trong công tác bồi dưỡng, mỗi giáo viên được trang bị một cách vững chắc các kiến thức và kỹ năng thực hiện PPDH tích cực, phương pháp sư phạm tương tác để chọn lọc, phối hợp hài hòa với những PPDH truyền thống, khắc phục các PPDH lạc hậu, tạo điều kiện để học sinh hoạt động tích cực, độc lập, sáng tạo. Các tài liệu tham khảo về PPDH tích cực, về cách biên soạn đề kiểm tra theo hướng đổi mới, cách lập ma trận đề kiểm tra… được Ban giám hiệu nhà trường cung cấp đến các giáo viên qua việc cập nhật thông tin trên mạng Internet, bổ sung sách tại thư viện, giới thiệu qua chuyên đề đổi mới PPDH…

          Đối với mỗi giáo viên của nhà trường, việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học là sự đổi thay trong mỗi tiết học thường ngày. Nhiều thầy giáo, cô giáo của nhà trường đã không ngừng học hỏi, tìm hiểu và áp dụng các kỹ thuật dạy học mới, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực để phát huy năng lực của người học, tạo hứng thú học tập cho học sinh và nâng cao hiệu quả giảng dạy. Đó là những tiết học của cô Đàm Hải Âu, cô Nguyễn Thị Hà, cô Nguyễn Phương Thúy, cô Đặng Giang Hương, cô Hoàng Thị Hạnh, cô Nguyễn Ngọc Tân, cô Lê Thị Kim Thoa…Nhiều phương pháp dạy học tích cực được áp dụng trong các tiết học như: dự án, hợp đồng, đặt và giải quyết vấn đề, hợp tác, góc… cùng các kĩ thuật: khăn phủ bàn, mảnh ghép, phòng tranh, sơ đồ tư duy, trạm, KWL…

          Trong các tiết học đổi mới như vậy, giáo viên đã huy động tất cả học sinh trong lớp cùng tham gia bài học. Giờ học đã phát huy tốt năng lực hợp tác, năng lực sử dụng CNTT, năng lực thuyết trình của các em học sinh, đồng thời cũng rèn luyện tư duy phản biện rõ ràng, khả năng tổng hợp kiến thức của mỗi học sinh. Không khí tiết học sôi nổi, học sinh nhiệt tình, được thể hiện năng lực tùy theo từng nhiệm vụ, giáo viên là người tổ chức, dẫn dắt học sinh qua các hoạt động để các em chủ động phát hiện, tìm tòi và củng cố kiến thức, rèn luyện kĩ năng…Đó quả thật là những tiết học hào hứng, bổ ích và thú vị!

          Chất lượng học tập sẽ đạt đỉnh cao khi học sinh phát huy được tốt nhất năng lực tư duy, nội lực tự học, gắn kết với sự điều khiển của thầy, sự hợp tác của tập thể (nhóm học tập, nhóm bạn, lớp), sự phong phú, đa dạng của các tài liệu, tư liệu học tập (sách giáo khoa, sách tham khảo, các bài báo, phim ảnh, băng hình, các tư liệu được truy cập qua mạng internet liên quan đến vấn đề HS đang học tập…). Do đó, trong quản lý đổi mới PPDH, nhà trường luôn yêu cầu mỗi giáo viên phải xây dựng được chiến lược khai thác triệt để những yếu tố trên nhằm phát triển tối đa năng lực và phẩm chất của HS; đồng thời, điều khiển, thúc đẩy học sinh ghép nối những tri thức mới thu nhận được vào vốn kiến thức đã có của mình, chuyển chúng thành kinh nghiệm cá nhân và vận dụng được những kinh nghiệm này vào cuộc sống.

Một số hình ảnh tiêu biểu của các tiết học đổi mới:

 
                       Tiết học Mỹ thuật                                                       Tiết học Ngữ văn

 

                     Sơ đồ tư duy                                                             "Bộ bài" kiến thức

Tác giả bài viết: Đặng Thị Mai Huế