Đoàn Ngọc Đức- một tài năng nghiên cứu khoa học trẻ

Đoàn Ngọc Đức- một tài năng nghiên cứu khoa học trẻ
Đoàn Ngọc Đức trong ấn tượng của thầy cô, bạn bè khi còn học ở trường Năng khiếu Văn Giang là một cậu bé nhỏ nhắn, gương mặt sáng sủa, thông minh. Sau 20 năm, cậu học trò nhỏ bé ấy giờ đã trở thành một tiến sĩ, một nhà nghiên cứu có nhiều công trình được các viện nghiên cứu lớn trên thế giới ghi nhận (Viện MIT và trường ĐH Harvard).
           


     Có thể nói Đức là một trong những cựu học sinh tiêu biểu nhất của trường Chu Mạnh Trinh cả về thành tích học tập cũng như những công trình nghiên cứu mà anh đã công bố. Người viết bài và anh đã có cuộc trò chuyện đầy thú vị. Dưới đây là toàn bộ cuộc trò chuyện.
     1.Anh hãy kể lại một vài kỷ niệm khi anh còn học tại trường Năng khiếu Văn Giang (nay là THCS Chu Mạnh Trinh)?

     Chu Mạnh Trinh là nơi mà mình có rất nhiều kỷ niệm, với bạn bè, với thầy cô. Mình còn giữ liên lạc với hầu hết các bạn học cùng với mình ở lớp 9 khóa đầu tiên khi mới thành lập trường. Những người bạn thân thiết nhất bây giờ đa số cũng là những bạn cùng lớp hồi đó. Mình nhớ những buổi trưa ở lại trường cùng các bạn ra hiệu sách đọc truyện tranh "Bảy viên ngọc rồng". Mình nhớ những buổi trưa cả bọn vào uống trộm trà của thầy Quế hiệu trưởng, hay phá không cho thầy ngủ (thế mà thầy chẳng bao giờ trách gì bọn mình, chỉ cười). Mình còn nhớ hồi thi đội tuyển Toán, đa số đạt điểm dưới kỳ vọng, vậy mà cô Định vẫn tươi cười và động viên mọi người. Mình cũng chẳng thể quên kỉ niệm được thầy Đường cho mình vào học ké đội tuyển Sinh năm đó, mặc dù không có tên chính thức trong đội tuyển nhưng thầy vẫn vui vẻ cho học. Chắc đến giờ thầy cũng không biết rằng mình bắt đầu quan tâm đến môn Sinh học chính từ những buổi học đó.

    2. Khi học phổ thông,  anh đã tham gia đội tuyển HSG nào ? Và đã đạt được những giải thưởng gì?

     Khi học tại trường Chu Mạnh Trinh, mình tham gia vào đội tuyển Toán. Khi lên cấp 3 thì tham gia đội tuyển Hóa và đạt 2 giải Khuyến khích của tỉnh năm lớp 11 và 12.

    3. Khi thi đại học, anh thi khối gì ?Kết quả thi Đại học của anh ra sao?

     Khi thi ĐH thì mình thi khối A vào ĐH Khoa học tự nhiên, thuộc ĐHQGHN và ĐH Giao thông vận tải. ĐH Khoa học tự nhiên được 25.5 điểm và là 1 trong 10 người điểm cao nhất đầu vào ĐH Khoa học tự nhiên năm thi đó (thủ khoa được 27 điểm), ĐH GTVT thì được 24.5 điểm. Mình không đăng ký thi trường cao đẳng nào năm đó.

    4. Quá trình học ở ĐH Quốc Gia, anh  đã có những thành tích như thế nào? Anh có thể kể cụ thể về những học bổng mà anh có được cũng như quá trình anh đi du học không ạ ?

    Khi học ĐH Khoa học tự nhiên, mình được chọn là sinh viên tiêu biểu ĐH Khoa học tự nhiên năm 2004, giải thưởng SV nghèo vượt khó ĐHQGHN  năm 2003 và 2004.
Sau khi tốt nghiệp mình được nhận học bổng Công nghiệp của Khối Pháp ngữ năm 2004 cho chương trình Thạc sĩ công  nghệ Hóa học tại Pháp, nhưng vì vấn đề visa nên năm đó không đi được. Đến năm 2005, mình nhận được 3 học bổng khác nhau: (1) Học bổng của ĐSQ Pháp tại Hà Nội, (2) Học bổng vùng Rhône-Alpes (Pháp) cho chương trình học tại Pháp, và (3) Học bổng tài năng Armand-Frappier cho chương trình học tại Canada. Cuối cùng mình chọn Canada chỉ đơn giản vì học bổng đó cao hơn và dài hạn hơn. Cộng thêm nữa là Canada nói cả tiếng Anh và tiếng Pháp nên mình sẽ có cơ hội học thêm tiếng Anh (hồi đó mình chỉ biết ngoại ngữ duy nhất là tiếng Pháp).

    Mình sang Canada cuối năm 2005 để theo học chương trình 2 năm thạc sĩ về Khoa học Y tế thực nghiệm tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia, Québec, Canada. Hồi mới sang, mình gặp rất nhiều khó khăn, thực sự đến giờ mình cũng không hiểu tại sao mình có thể vượt qua được thời gian đó. Khó khăn thứ nhất là về ngôn ngữ và kiến thức. Mặc dù đã chuẩn bị khá tốt trước khi đi, nhưng khi đến đó học thì nhiều khi không hiểu thầy giảng gì. Một phần là ngôn ngữ chưa đủ, một phần là rất nhiều môn học mình không hề có khái niệm và kiến thức gì khi mình ở VN. Một điều đặc biệt là có nhiều môn học mà mỗi môn được dạy bởi 3-4 người khác nhau, người thì dạy bằng tiếng Pháp, người thì dạy bằng tiếng Anh, mà tiếng Anh của mình lúc đó thì chỉ lõm bõm vài từ. Mình còn nhớ, kỳ đầu tiên học môn Độc học, môn học mà mình chưa hề nghe đến trước đó, có 4 người dạy, 2 người nói tiếng Pháp vùng Québec, 1 người nói tiếng Pháp-Pháp, còn giáo sư còn lại là người Mỹ. Nghe giảng không hiểu gì, đọc sách cũng không, mình thực sự khủng hoảng vì chắc chắn là sẽ trượt môn đó nếu không có kế hoạch cụ thể. Cuối cùng mình quyết định học thuộc cả quyển sách hơn 500 trang để thi qua. Thời điểm đó thực sự stress với mình. Trong 4 tháng đầu tiên ở Canada, bình quân mỗi ngày mình chỉ ngủ 3-4 tiếng, thời gian còn lại là làm việc ở phòng thí nghiệm, ngồi đọc sách ở thư viện hoặc ở nhà. Khó khăn thứ 2 là về văn hóa và đời sống. Sốc văn hóa là điều mà rất nhiều du học sinh vấp phải. Hãy tưởng tượng, một buổi sáng ngủ dậy, bạn thấy mình ở một nơi mà bạn không biết một ai, không nói ngôn ngữ bạn vẫn thường dùng, không ăn đồ ăn mà bạn thường ăn, cách suy nghĩ và văn hóa ứng xử khác bạn, bạn sẽ thế nào? Nhưng thực sự lúc đó mình không còn lựa chọn nào khác là phải hòa nhập. Thật may mắn là những người xung quanh mình rất thân thiện, lịch sự và tốt bụng.

     Đến cuối năm 2007 mình học xong chương trình thạc sĩ và quyết định học lên tiến sĩ ngành Sinh học, chuyên sâu về Dược phân tử. Trong quá trình nghiên cứu, mình đã phát hiện 2 hợp chất rất có triển vọng trở thành thuốc giúp bệnh nhân đột quỵ hồi phục nhanh hơn. Hiện tại hai hợp chất này đang được nghiên cứu tiếp tại nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới. Năm 2012 mình chuyển đến một phòng thí nghiệm khác ở thành phố Montréal (Canada) để thực tập sau tiến sĩ trước khi chuyển sang Mỹ năm 2014.

     Với những kết quả ngoài mong đợi khi học thạc sĩ và làm tiễn sĩ, sự giúp đỡ của giáo sư hướng dẫn và may mắn, mình gặt hái được khá nhiều giải thưởng và học bổng trong thời gian này. Đặc biệt là học bổng + giải thưởng của Hiệp hội nghiên cứu về tim mạch và đột quỵ Canada (giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực mình nghiên cứu, mỗi năm chỉ có tối đa 3 nghiên cứu sinh về khoa học cơ bản trên toàn Canada được nhận giải thưởng này) cho nghiên cứu tiến sĩ, và học bổng sau tiến sĩ của Quỹ nghiên cứu Y tế Canada. Sau 10 năm nghiên cứu, mình đã công bố khoảng 20 bài báo khoa học quốc tế và đồng sở hữu 3 bằng phát minh (trong đó 1 bằng phát minh đã được 1 công ty Dược tại Canada mua lại và đang phát triển tiếp).

    5. Công việc hiện tại của anh là nghiên cứu, vậy anh có thể cho biết lịch trình làm việc một ngày của anh diễn ra như thế nào ạ?
         
    Từ năm 2014 đến giờ mình là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Khoa Hóa thuộc Học viện công nghệ Massachusetts (MIT) và tại Bệnh viện Nhi Boston, thuộc ĐH Y Harvard. Năm 2014, mình cũng xin thực tập và nhận được nhiều lời mời khác từ ĐH Oxford (Anh), ĐH Stanford (Mỹ), ĐH Y Johns Hopkins (Mỹ), ĐH Kyoto (Nhật). Mình cùng đồng nghiệp ở MIT và Harvard đang nghiên cứu giải pháp trị liệu cho một số bệnh di truyền mà hiện tại không có thuốc chữa hiệu quả. Cả MIT và Harvard đều là nơi mà áp lực làm việc rất lớn. Với những người có xuất phát điểm thấp hơn nhiều người khác, thì áp lực còn lớn hơn nhiều. Một ngày làm việc của mình thường bắt đầu lúc 9h sáng và kết thúc khoảng 8h tối, nhiều khi là 10h và cũng nhiều khi là 1h-2h đêm. Đó là những ngày trong tuần, cuối tuần thì nhẹ nhàng hơn, thường mình làm khoảng 6-8h mỗi ngày vào cuối tuần. Mình cũng muốn nói là thời lượng làm việc vậy một phần lớn là do mình thấy rất thú vị với nghiên cứu hiện tại cũng như thấy như mình đang được làm điều mình muốn làm. Thêm nữa là điều kiện làm việc ở đây không nơi nào có được nên mình cũng cảm thấy là mình cần tận dụng điều đó.

     6. Là cưu học sinh Chu Mạnh Trinh, nhân dịp trường sắp kỉ niệm 20 ngày thành lập anh có điều gì gửi gắm đến các thầy cô cũng như những em hs có chung niềm say mê với các môn khoa học giống như anh không ạ?

    Với các thầy cô trường Chu Mạnh Trinh, em xin gửi đến các thầy cô sự biết ơn sâu sắc, nhờ những người thầy, người cô không chỉ dạy giỏi mà còn luôn tâm huyết, tận tình, yêu quý học trò, luôn khơi dậy những tiềm năng, khuyến khích sự sáng tạo chúng em mới có được những sự thành công như hôm nay
 
     Đối với các bạn học sinh, theo kinh nghiệm của bản thân, mình thấy một điều mà mình muốn chia sẻ với các bạn, đó là "Không thành công nào là do may mắn mà có cả". Cần cù, chịu khó, và không sợ thất bại là chìa khóa của thành công. Nhiều người cho rằng mình may mắn nên được nhận vào MIT và Harvard, mình cũng công nhận vậy, nhưng mình cũng muốn nói là những may mắn đó do chính mình tạo ra. Điều thứ 2 mình muốn nhắn các bạn là : Nếu bạn thấy một cơ hội nào đó, hãy nắm lấy nó và làm việc hết khả năng có thể để giữ nó, để dùng nó tạo ra cơ hội mới cho mình. Nếu cơ hội chưa đến với bạn, có thể là do bạn chưa tìm nó một cách kỹ lưỡng. Trường hợp xấu nhất, không có cơ hội nào cả (theo bạn), thì tại sao không tự tạo ra cơ hội cho mình?

    Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!



Tác giả bài viết: Hoàng Thị Hạnh