Có thể nói mạng xã hội (MXH) là một món quà của thế giới hiện đại dành cho con người. Chúng ta có thể làm rất nhiều việc mà thậm chí không cần rời khỏi nhà. Mạng xã hội là dịch vụ kết nối các thành viên cùng sở thích trên internet với nhiều mục đích khác nhau, không phân biệt không gian và thời gian.
Tuy nhiên, học sinh ngày nay đã sử dụng MXH đúng đắn để mang lại lợi ích thực sự cho quá trình học tập và sinh sống hay chưa vẫn còn là vấn đề cần quan tâm. Nhận thấy tầm quan trọng của việc sử dụng MXH sao cho an toàn và đạt được tác dụng, hiệu quả cao, BGH trường THCS Chu Mạnh Trinh đã phối hợp với Trung tâm Kĩ năng sống Javico tổ chức buổi ngoại khóa cho học sinh với chủ đề: “Sử dụng mạng xã hội an toàn và hiệu quả”
Buổi chuyên đề bắt đầu bằng những tiết mục văn nghệ đặc sắc và ý nghĩa do các bạn trong đội văn nghệ của nhà trường biểu diễn. Tiếp đến là phần mong đợi nhất: Cuộc trò chuyện với thạc sĩ Nguyễn Thị Phụng - Chuyên gia tư vấn tâm lí của Trung tâm Kĩ năng sống Javico. Một lần nữa các bạn học sinh trường THCS Chu Mạnh Trinh lại được gặp lại cô. Trong lần gặp gỡ này, cô đã chia sẻ với các bạn học sinh rất nhiều câu chuyện trên mạng xã hội nhưng lại rất gần gũi với các bạn, tưởng chừng như câu chuyện ở một nơi xa đó lại chính là câu chuyện của 1 bạn ở rất gần, có khi lại là câu chuyện của chính mình. Với chủ đề “Sử dụng mạng xã hội an toàn và hiệu quả”, chuyên gia đã từng bước khai thác thông tin từ các bạn khi sử dụng mạng xã hội với những câu hỏi hết sức đơn giản:
? Có bao nhiêu bạn đang sử dụng ít nhất 1 mạng xã hội? Rất nhiều cánh tay đã giơ lên, ước tính có tới 90% số lượng học sinh trong trường giơ tay.
? Thời gian con sử dụng mạng xã hội là bao lâu trong 1 ngày?
Rất nhiều câu trả lời với các nội dung khác nhau như:
- Con sử dụng: 30 phút; 2 tiếng; 3 tiếng; 5 tiếng… ? Con sử dụng mạng xã hội vào việc gì?
Ở câu hỏi này, cô Phụng nhận về được những câu trả lời phần nhiều là các con lướt “phây”, xem hài…một số ít bạn sử dụng vào việc tìm kiếm thông tin để làm bài tập.
Đây là thực trạng sử dụng MXH của học sinh nói chung và của học sinh trường THCS Chu Mạnh Trinh nói riêng. Nắm bắt được thực trạng này của các bạn học sinh Chu Mạnh Trinh, cô Phụng cung cấp thêm cho các bạn những hậu quả khôn lường hay hệ lụy đến từ việc sử dụng MXH không đúng cách. Chỉ một nút like, 1 cái share khi chưa kiểm chứng thông tin cũng đủ để gây hại cho người khác và chính mình.
Theo cô, sự tự do trên MXH làm người sử dụng đặc biêt là các bạn học sinh dễ bị lãng phí thời gian, sa vào sống ảo, trầm cảm vì thiếu tương tác thật sự với bên ngoài. Không gian ẩn danh và ít rào cản của MXH còn là môi trường thuận lợi cho tội phạm, phát ngôn thù ghét. Cô cũng đưa ra những phương pháp, cách thức giúp định hướng các bạn học sinh sử dụng MXH an toàn và hiệu quả như:
- Nâng cao cảnh giác
Khi tung nội dung lên mạng, các phần tử xấu thường lấy tít “giật gân”, tiêu đề “ấn tượng” để thu hút người xem. Các thông tin sai trái, tiêu cực, các nhận định không khách quan, thiếu đúng đắn, đều ít nhiều sẽ làm ảnh hưởng tới những cá nhân trong đó có học sinh có tham gia trên không gian mạng, thậm chí trở thành nạn nhân bị kẻ xấu lợi dụng, vi phạm pháp luật. Với học sinh, dùng mạng xã hội phải văn minh, lịch sự. Ta có thể dùng mạng chia sẻ thông tin học tập, ôn thi... Đừng theo trào lưu hay thích nổi tiếng hòa theo xu hướng để trở thành người thiếu hiểu biết, bị các đối tượng xấu lợi dụng để vi phạm pháp luật.
- Môi trường ảo, tác động thật, nên cần có trách nhiệm trên môi trường trực tuyến.
Mạng xã hội là môi trường ảo nhưng cuộc sống của chúng ta là thật, vì vậy làm việc gì cũng cần suy nghĩ, cân nhắc. Với học sinh tham gia mạng xã hội, một khi thấy vấn đề nóng được nhiều người chia sẻ, cần tỉnh táo, nghiên cứu kỹ nội dung, tính chất sự việc. Không nên xem qua tiêu đề, hùa theo đám đông mà dễ bị các phần tử xấu lợi dụng.
Hãy tự chịu trách nhiệm với những hành động của mình, dù đó là môi trường thực hay môi trường mạng. Trước khi muốn chia sẻ bất cứ điều gì trên mạng xã hội, ta nên suy nghĩ kỹ hoặc nếu cảm thấy cần thiết có thể trao đổi với thầy cô, cha mẹ để suy nghĩ liệu nội dung đó sẽ được hiểu như thế nào. Những câu hỏi có thể là: Nội dung này có thể bị hiểu nhầm hay mang nội dung bắt nạt/xúc phạm người khác không? Liệu ai đó có thể sử dụng nội dung này để gây hại đến ta không? Ta có buồn không nếu có người chia sẻ nội dung đó với những người khác nữa? Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra nếu ta chia sẻ nội dung này là gì?
- Xác định thời điểm chia sẻ thông tin khi sử dụng MXH
Mạng xã hội là con người thứ hai của ta. Đừng nên chia sẻ khi tâm lý đang không ổn định như giận dữ, thất vọng hoặc bị kích động. Những khi ta gặp vấn đề, ta nên chia sẻ với thầy cô, bạn bè, gia đình hoặc những người xung quanh để có cách giải quyết trực tiếp và phù hợp hơn. Chính vì vậy, không chỉ cần kiểm soát thông tin cá nhân, các nội dung theo dõi mà ta cũng cần có kỹ năng sống khác là kiểm soát cảm xúc và cách thể hiện của bản thân.
- Xác định rõ điều bạn muốn
Đầu tiên và trước hết: Bạn mong đợi đạt được điều gì từ mạng xã hội? Tại sao lại mất thời gian cho nó? Bạn muốn thu hoạch gì từ cánh đồng mạng xã hội? Viết 5 điều lên một stick note và dán bên cạnh máy vi tính, smart phone để nhắc nhở mình không quên.
- Bảo mật thông tin cá nhân trên mạng xã hội
Để bảo vệ mình trên môi trường trực tuyến, chúng ta nên biết cách bảo vệ quyền riêng tư của mình bằng những cách đơn giản và hiệu quả để kiểm soát thông tin cá nhân. Sử dụng mật khẩu mạnh và bảo mật hai lớp cho tài khoản trực tuyến là những cách đơn giản nhất để bắt đầu kiểm soát thông tin cá nhân.
- Thống nhất về thời gian sử dụng Internet
Khi sử dụng MXH ta thường không quản lý được thời gian cần xây dựng kế hoạch quản lý thời gian. Nên dụng MXH sau khi đã hoàn thành các công việc khác và đảm bảo không ảnh hưởng tới bản thân…
Qua buổi trò chuyện với thạc sĩ Nguyễn Thị Phụng - chuyên gia tư vấn tâm lí của Trung tâm Kĩ năng sống Javico, nhà trường muốn trang bị kiến thức, kĩ năng để các em học sinh trường THCS Chu Mạnh Trinh: SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI AN TOÀN VÀ HIỆU QUẢ!